Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Sài Gòn đã qua ngày sợ hãi

Cứ mỗi năm vào những ngày mừng Lễ Quốc Khánh, Facebook của tôi lại tràn ngập những lời cảnh báo rằng hãy cẩn thận khi ra đường vì một lượng lớn những phạm nhân đã trở về nhà. Tôi đem nỗi sợ hãi của mình ra kể với bà ngoại, tuổi đã ngấp nghé bát tuần. Bà nghe xong chỉ tặc lưỡi bảo rằng: “Nếu chúng nó sống ở Sài Gòn cách đây vài chục năm chắc không dám ra đường luôn quá! Ít nhất bây giờ không phải sợ…chết hằng ngày nữa.”
5274361766_445dc03cf9_z1

Đã có thời sống trong sợ hãi

Tôi đã nghe nhiều câu chuyện về Sài Gòn trong những năm tháng xưa cũ từ sách báo hoặc qua lời kể của những người già trong gia đình. Thời Sài Gòn được ví là Hòn Ngọc Viễn Đông, thời phồn vinh đến mức người Thái phải sang đây để học hỏi thì đâu đó trong lòng người thành phố vẫn còn ngấp nghé sự sợ hãi. Nỗi sợ hãi của mỗi người đều khác nhau, nhưng đều xuất phát từ một nguyên nhân là cuộc chiến ngoài kia chưa kết thúc. Dù người Sài Gòn thời ấy có một cuộc sống no đủ, đi học, đi làm, ăn ngon, mặc đẹp nhưng rốt cuộc thì họ cũng phải đối mặt với sự thật là không biết ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì với mình.

826581901-1
Đường Đồng Khởi thời ấy vẫn rất yên bình dù cuộc chiến vẫn đang diễn ra
Mẹ tôi vẫn thường hay kể về những ngày thơ bé, đi học rất vui, giải trí cũng thoải mái, nhưng lúc nào cũng sợ hãi khi đọc báo, nghe thấy tin tức về thương vong xung quanh mình. Cái đẹp và sự sang trọng của những nhà hàng dọc đường Đồng Khởi ngày nay, trong những bức ảnh còn lại về Sài Gòn xưa giống như chỉ để che đi nỗi sợ hãi rất tĩnh lặng trong mỗi người thời đó. Vì dù ở trung tâm Sài Gòn rất yên bình, bất kì ai cũng sẽ không biết trước được mình có bị thương bất ngờ hay không. Thời đó, ai cũng có thể sở hữu vũ khí. Và thật không may nếu bạn bị “lạc đạn”. Ở những vùng ven như quận Gò Vấp, Bình Thạnh ngày nay, mọi gia đình đều đã quá quen với những buổi tối không yên tĩnh.
running-away1
Một người khiến tôi nhớ mãi đến tận nay là ông chú ở đầu hẻm, lúc nhỏ đã khiến tôi và đám bạn trong xóm sợ chết khiếp. Ông chỉ có một tay, không còn hai chân và phải di chuyển bằng hai chiếc ghế. Không chỉ là sợ thân hình của ông, mà chúng tôi còn sợ đôi mắt sắc lẻm, giọng nói dữ dằn của ông nữa. Người lớn thở dài bảo rằng: “Thời ấy mà xui thì ai chẳng thế!” như đã quá quen thuộc với mất mát. Đối mặt với sinh tử quan trọng hơn cả mưu sinh. Ngoại tôi vẫn còn thở dài khi kể lại chuyện ngày nào trong xóm cũng có ít nhất một gia đình khóc như mưa vì người thân đã không còn.
Live-or-Die1
Vượt lên trên những lo lắng về cuộc sống hằng ngày, nỗi sợ hãi vì thương vong mới là ám ảnh của người Sài Gòn.

Ít ra là chúng ta vẫn đang ở thời bình

Ngày Sài Gòn trong nỗi sợ hãi đã qua rồi! Và thật may chúng ta còn có nhiều mối lo lắng về cuộc sống hơn là sợ…chết hằng ngày như ngày trước. Ít nhất chúng ta có thể tự do đi trên mọi con đường của Sài Gòn mà không sợ viên đạn nào đó bay lạc ra. Ít nhất khi đi nghĩa vụ quân sự, các chàng trai sẽ được học nhiều thứ hơn, về tính kỷ luật, kỹ năng sống, hòa nhập với xã hội rất có ích. Ít nhất chúng ta có thể bon bon chay xe trên đường mà chẳng lo chỗ đấy có gắn…bom hay không.
large1
Có một thời người dân Sài Gòn nơm nớp lo sợ, từ trên báo chí lẫn mạng xã hội đăng tin cảnh giác nạn đâm người để giật ba lô có laptop, túi xách táo tợn ngay ở ngoài đường đông đúc. Có một thời chuyện chặt tay để trộm cắp xe khiến nhiều người rùng mình, ngẩng mặt lên trời ca thán sao cuộc sống đầy nguy hiểm. Rồi cũng có lúc chứng kiến, nghe về những tai nạn giao thông thương tâm khiến ai nấy đều lo lắng khi cầm lái. Nhưng trong những lúc ấy, người ta cũng chuyền nhau những cách cảnh giác, cách đối phó với tội phạm, kêu gọi nhiều người giúp đỡ mình. Sự lan truyền thông tin có thể không giảm đi mật độ tội phạm, nhưng ít nhất có thể khiến chúng ta sợ, và vì sợ nên sẽ trân trọng hơn bản thân mình, tự ý thức về việc bảo vệ mình. Mất mát trong cuộc sống là không tránh khỏi, nhưng bây giờ, chúng ta có quyền quyết định về sinh tử của bản thân. Đó là thứ quý giá nhất mà ở chục năm trước không ai có được.
giat2
Untitled1
Hãy tin Sài Gòn đi!
keep-calm-you-and-i-ll-be-safe-and-sound
Sẽ có người “đập” lại rằng: “Sài Gòn có gì để tin khi chuyện cướp, hiếp, giết,…nhan nhản trên báo,mạng xã hội mỗi ngày?” Đồng ý là chúng ta đang trong thời bình, nhưng dân nhập cư quá đông, đường phố phức tạp, ý thức, văn hóa cư xử kém kéo theo nhiều tệ nạn thì cũng phải sợ hãi khác gì vài chục năm trước đâu? Tuy nhiên, phức tạp không có nghĩa là không “gỡ” được. Cách đây vài hôm, sau khi chứng kiến một vụ cướp ví tiền cùa người khác xảy ra ngay giữa lòng lề đường ở gần sân bay, một chú xe ôm gần đó lập tức quát: “Muốn nó giật nữa sao mà đứng nghe điện thoại hả?” với tôi, lúc đó vẫn chưa hoàn hồn vì vụ cướp. Đọc những bài như “Made in Saigon” từ 19day Team, tôi tin rằng Sài Gòn vẫn luôn gieo niềm tin về lòng tốt, cái thiện giữa người với người lắm! Nghĩ một cách tích cực, chúng ta có thể học tập lẫn nhau về cách cư xử, cách sống, cho đi và nhận lại, chứ không phải là chê bai hay khinh khi.
hu-drink-kingspanoramabar
Người Sài Gòn trong những thập kỷ trước đã sống trong sợ hãi mà không có gì trong tay để bảo vệ mình. Còn ngày nay, chúng ta có rất nhiều thứ: pháp luật, lòng tốt của những người xung quanh, hơn hết là sự cảnh giác của chính chúng ta. Không cần quá nghiêm trọng, chỉ đơn giản là bỏ đồ dùng quý giá vào cốp xe, không dùng điện thoại hay đồ đắt tiền ở đoạn đường đông người, hạn chế đi vào đường vắng,… thì đã phần nào tự bảo vệ được mình. Dù có chuyện không hay xảy ra, ít nhất chúng ta vẫn còn an toàn đứng đây, chứ không phải ở thế giới bên kia.
8033152600_a6cf166c59_z
Sài Gòn chào đón tất cả mọi người từ các vùng khác đến sinh sống. Sài Gòn xem tất cả là người nhà. Vì thế, hãy tin vào “ngôi nhà” và những “người nhà” của mình, là nơi an toàn và đầy yêu thương mà bất cứ ai cũng muốn được ở lại. Sài Gòn không còn sợ hãi, không còn thương vong, không còn giông bão nữa, thì chính là lúc cần xây dựng tinh thần của người Sài Gòn để chúng ta dù có nghe những tin tức không hay, cũng tự nhủ rằng: “Mình đang ở Sài Gòn mà, không sao đâu!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét